LAISAC
  THI ĐUA
 

THI ĐUA, NĂM NÀO CŨNG NÓI THI ĐUA!

 

    Trường tôi,  mỗi năm cứ vào dịp 15/10,  năm nào cũng vậy đều tổ chức Hội nghị công nhân viên chức….Như thông lệ , thầy này đọc xong bản tổng kết những cái được, cái mất trong năm qua thì tiếp theo cô kia đọc bản phương hướng dạy và học trong năm tới. Rồi là chỉ tiêu này, chỉ tiêu nọ , biện pháp nọ biện pháp kia, khắc phục, chấn chỉnh, phấn đấu, đăng kí này nọ năm nào cũng như năm nào.

    Đến phần góp ý kiến , không bao giờ tránh khỏi những ý kiến nẩy lửa về bức xúc thi đua…Ai cũng biết mục đích thi đua để làm gì, mặt tốt nó như thế nào ; nhưng cái chi cũng có hai mặt của nó, mặt được và mặt chưa được, như thuốc bổ không dùng đúng cách thì không tránh khỏi tác hại ngược lại.

    Chiều nay đi họp về, thằng tui này lấy những điều suy tư của mình bấy lâu ( ở bên này) chép qua đây, đọc lại , tự suy ngẫm . Ai cũng biết,  nếu tôn trọng sự khác biệt của mỗi người thì mới tìm ra được ngóc ngách vấn đề, còn chấp nhận quan niệm phụ thuộc, nô lệ ắt sẽ kìm hãm sự  phát triển, tiến bộ, ….Bài viết này tôi muốn nói lên mặt trái của  việc thi đua trong cơ chế xin cho của ta hiện nay chứ không phải  nói riêng gì ở trường tôi . 

    Câu đầu tiên mình ngẫm nghĩ về việc thi đua nằm dưới một cơ chế ( có đầy mặt trái) , đó là cơ chế XIN, CHO

.Muốn cuối năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được cấp này cấp nọ khen thưởng...  đầu năm phải đăng kí ?

Đúng! Cơ chế xin cho mà . Khen thưởng mà nằm trong cơ chế xin cho mặt trái của nó vô tình làm thui chột người có lòng tự trọng, dung dưỡng kẻ cơ hội, nịnh bợ.

    Chứng minh điều này trên mạng có đầy, không nói ra đây nữa. Tôi xin dẫn chứng cụ thể một ví dụ ở chung quanh tôi. Nhiều lần ngồi tán ngẫu với bạn bè, phụ huynh và cả học sinh,  tôi đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ, nêu ra một vấn đề: “Bạn thấy thầy T có xứng đáng là nhà giáo ưu tú không?” gần như hơn 90% đều trả lời  “ Tốt quá đi chứ”…Tốt quá đi chứ, nhưng tại sao không xét thầy được nhận danh hiệu đó , thì gần như 90% ấy lắt đầu bảo không được vì không đúng thủ tục. Cái thủ tục ở đây là cơ chế xin cho, nghĩa là đầu năm học phải XIN, mỹ từ nôm na cái gọi là đăng kí thi đua…và phải liên tục mấy năm liền là chiến sỹ này chiến sỹ nọ. Tôi biết người tự trọng họ không mặn mà gì lắm cái kiểu này.

      Hình như trên thế giới, nơi nào muốn tìm ra những nhân tài họ đều lập ra một cái ban . gọi là ban THEO DÕI để phát hiện ra người tài , kịp thời khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích , cổ vũ chính người tài đó, nên thậm chí chính người được nhận giải thưởng lại không ngờ  mình được giải, được khen thưởng. Hình thức cổ vũ này khác xa với cơ chế một bên là viết đơn XIN và có người CHO, chỉ làm tăng thêm độc quyền uy cho người cho và xem như người xin trở thành người bị phụ thuôc,…Tôi nghĩ những tiêu cực, sự tha hóa về đạo đức xã hội hiện nay có một phần đóng góp không nhỏ về sự cơ chế xin cho xét thi đua này.

Từ ấy mà tôi có suy tư câu thứ hai

Cuối năm muốn công nhận kết quả sáng kiến kinh nghiệm hay  công trình nghiên cứu gì đó,  đầu năm phải có đăng kí ?

Vâng! Dù cho  E-di-Xơn có sống lại ở đây, ông ta chỉ  đạt danh hiệu Tiên tiến là cùng laughing

    Thật tình là không mỉa mai chút nào. Giả sử ( chắc đã có)  một người nào đó đã có ý tưởng hay, mới lạ , một sáng kiến sáng chế nào đó đưa lên,  nhưng ban xét thi đua lại …hất ra rìa với một câu phán: “Tại sao đầu năm không đăng kí!”...Đấy! Bóp chết từ trong trứng nước là ở chỗ này! Nhà sáng chế Ê- Đi Xơn có sống lại cũng  bằng thừa.

    Về việc đăng kí trước , phần dở của nó quá nhiêu khê!...Nhiêu khê nhất là bị lợi dụng. Chưa nói về tiêu cực trao đổi mua bán ở đây,  tôi chỉ nói về sự lợi dụng của người ban cho mà cái cơ chế vô hình dung trao cho họ quyền sinh sát…Đơn cử như thế này, một sáng kiến nào đó hay, tốt nhưng lỡ đầu năm chưa kịp đăng kí thì cuối năm dược xét hay không thì nhờ sự thương hay ghét của tập người xét duyệt, vì họ dựa vào  bảo kiếm cơ chế mà áp dụng cho từng người theo cái kiểu cứng nhắc hay xuê xoa , được hay không được đều phát ra từ họ cái gọi là “linh động” hay đổ lỗi cho “qui chế” cũng đều là của họ cả.

    Năm ngoái, trường tôi bị cắt thi đua của một số người vì bị liệt vào viết đề tài nghiên cứu khoa học không đúng hình thức theo yêu cầu của Sở. Thế nào là đề tài nghiên cứu khoa học,  và hình thức trình bày như thế nào cho đúng nhất với từng bộ môn, từng lớp dạy, từng đối tượng cho việc dạy và học thiết thực và hiệu quả nhất?...Nhiều thầy, cô  mấy năm sưu tầm, rút ra từ kinh nghiệm để viết một đề tài với mục đích để bồi dưỡng dạy  lớp chuyên, nhưng khi đưa đề tài đó lên Sở  thì bị cắt tuốt, với lý do không làm đúng mẫu hình thức như qui định,  trong khi cũng chính đề tài đó được đăng bởi các tạp chí Bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh bạn..Thầy cô ấy chỉ biết cười trừ  và than thở một câu xót:xa ” Mấy năm nay tui nuôi nấng vỗ béo con gà để làm ra món cháo gà cho thật hấp dẫn…không ngờ quan sếp họ bảo tại sao không nấu món chè gà như họ qui định!”.

         Để bộ máy vận hành tốt không phải đặt nặng việc thi đua mà phải trân trọng lòng tự trọng, ý thức tự giác  của mỗi con người và biết ghét, loại bỏ sự dối trá, cơ hội.. Nên nhớ, trong Giáo dục người thầy khó mà tìm được trong lòng dân hai chữ THẦY GIỎI  nhưng không khó lắm để tìm cách nhận được tờ giấy công nhận GIÁO VIÊN GIỎI.

P/s Khi bài này vừa đưa lên ngoài những còm trên FB và Page tôi cũng đã nhân vài Email của thầy cô ( ngoài trường cũng có) nói về hiện tượng có nhiều nơi thầy , cô không muốn đăng ký thi đua, nhưng vì chỉ tiêu này chỉ tiêu nọ đưa xuống nên bắt buộc phải đăng kí. Tôi xin thưa rằng, còn nhiều chuyện muốn nói lắm, nhưng vì tế nhị, vì sợ thầy cô hiểu lầm này nọ nên không dám nói ra thôi. Mong thầy cô hiểu rằng , tôi chỉ nói về mặt trái của cơ chế xin cho về thi đua chứ không không có mục đích nào khác. Nhắc lại góp ý  trên,  thì chính tổ tôi cũng vậy, năm nào mấy thầy già cũng “ép” mấy thầy cô trẻ đăng ký chiến sỹ này , chiến sỹ nọ , nhưng thầy cô trẻ lại vẫn  tìm cách tránh, vì sợ…ở trên cắt (gọi là không đạt) thì xấu hổ…Còn những  người bị không được tiên tiến thì cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp…Như vậy thi đua cái kiểu như thế có đúng nghĩa không? .Đừng vội qui kết họ sao không ...ra sức thi đua , hay vỗ vờ ,trấn an  họ rằng không có gì xấu hổ trong khi quá đặt nặng,  hay gây sức ép về thi đua như bỏ phiếu xếp loại, theo dõi làm nghi ngờ, đề phòng lẫn nhau ...thật là Cấp trên muốn  có kết quả, nhưng ít lường đến hậu quả.

..............................................
Xem các bài liên quan của trường
 HOT-BOI
Bầu Hiệu trưởng?
Đề văn hay?
Một cổ hai tròng
 GIAO LUU, GẶP GỠ ĐẦU NĂM...

 
  CÓ TẤT CẢ: 1249156 visitors (3855802 hits)  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free