LAISAC
  Chuyện thật ngắn
 

CHỬI TỤC

Nẫu nhìn em bé bị xe gạt nằm bất tỉnh giữa đường, kẻ gây án đã chạy trốn , nhiều người bu quanh,  dòm ngó, la ó, chỉ chỏ làm Nẫu nóng ruột vội cúi người xuống ẵm em bé lên rồi nhìn mỗi người , Nẫu gào to: “Đ.mẹ …gọi giùm xe cấp cứu mau,  đứng đó mà nhìn!”

Một ông bụng phệ, trán hói , tay xách cặp to ra vẻ nhà mô phạm, dướn cặp mắt qua gọng kính dày nhìn Nẫu lầm bầm:” Đồ vô học….chửi tục bậy bạ ngoài đường!”



   ( Được ném Tù Đây qua )
 

ĐỀ VĂN HAY LÀ HAY Ở CHỖ NÀO?

 


bo_anh_hung_tre_tuoi_xuc_dong_vi_su_hy_sinh_cua_con_vao_de_van_0      Năm ngoái, cũng cái đề văn thi TN, vừa thi xong, trưa về Nẫu "ngứa ngáy",“ động đậy” rặn ra ở đây. Năm nay cũng cái đề thi văn này Nẫu chả có “động đậy” gì, nhưng mấy bữa nay cứ vô đọc báo thấy có nhiều bài viết khen búa xua đề văn năm nay có câu ra nghị luận HAY…Tò mò đọc thử HAY ở chi tiết nào, hóa ra hầu hết đều khen hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam là HAY nhiều hơn chính cái đề văn nó HAY: Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:…..

   Ở đây Nẫu không nói nữa cái HAY về lòng  dũng cảm của em Nam quên mình cứu năm em nhỏ đang chới với dưới nước để rồi Nam ra đi vĩnh viễn, vì có nhiếu bài viết đã nói rồi . Nẫu xem hành động dũng cảm của Nam như một hành động của một người anh hùng. Nhưng Nẫu chỉ hơi thắc mắc cái ĐỀ nó HAY là HAY ở chỗ nào?

          Nếu từ trước , trước nữa, trước trước nữa thầy cô giáo đều đưa ra những hành động tốt cụ thể như chuyện hiếu thảo ông bà cha mẹ, chuyện đoàn kết anh em trong nhà, chuyện lòng dũng cảm, giúp người, thương người, chuyện cư ứng xử đẹp, chuyện của những người có tấm lòng cao thượng (... cao thượng thật sự của dân tộc ta từ xa xưa để lại...hic)….thường xuyên như vậy vào trong các bài văn, nghị luận thì liệu hôm nay có nói đề văn này HAY không? Cụ thể đề thi năm tới cũng có câu na ná như đề thi năm nay, liệu có còn gọi là HAY nữa không?

     Còn nói về sự kiện em Nam , liệu có em học sinh, phụ huynh nào muốn cho con mình có cái kết như em Nam không?

 

        Rõ ràng, như có cái gì ấy từ trước nay ta tự cấm hay tự xem nhẹ làm chuyện này,chuyện nọ  rồi bổng dưng hôm nay ta tự khen HAY khi ta tự dần cởi trói mình ra …

      Nên chăng thường xuyên và thường xuyên giáo dục lòng tự trọng, thương người, không thờ ơ, vô cảm trước những bất công, tội ác…thường xuyên giáo dục kỉ năng sống, kỉ năng chọn lựa tình huống tối ưu….  hơn là cổ xúy những việc lớn lao quá tầm mức của con người.

     Ví dụ, giáo dục các em biết thương người bị đàn áp, bị cướp là nạn nhân cần giúp đỡ , biết ghét , căm giận thằng ăn cướp và giáo dục kỷ năng sống cho các em cách gọi báo cảnh sát, nhà chức trách hay cộng đồng như thế nào để họ đến bắt thằng ăn cướp chứ không phải đột ngột cổ xúy các em tự bản thân mình ra tay bắt cướp?

p/s: Nẫu là dân Toán nên có cách nhìn hơi toán....


BỆNH VÔ CẢM.


vc3b4-tc3a2m-e1340862909967       
 
 Ai trong đời không  một lần bị bệnh vô cảm? Khi gặp bệnh cấp tính thì ray rứt dằn vặt khó chịu. Nhưng nếu bệnh trở thành mãn tính, không phải từ một người mà lây lan nhiều người, thành một cộng đồng thì khó lường được sự nguy hại của nó như thế nào , vì lúc đó bệnh nhân không biết mình bị bệnh , đôi khi lại “dè bỉu, chê bai” người không bệnh.

 

NGUYÊN NHÂN sinh ra bệnh vô cảm có nhiều con đường xâm nhập  như nhiều con đường  sinh ra bệnh đau đầu , đau bụng vậy. Nẫu chỉ nói ở đây có hai nguyên nhân gây ra bệnh vô cảm đó là do  vi rút NỖI SỢ HÃI và lây lan từ vi khuẩn của sự THỐI DỐI TRÁ.

TRIỆU CHỨNG của bệnh vô cảm do vi rút của nỗi SỢ HÃI tạo ra là làm tê liệt sự phản kháng của con người. Đấu tranh cái xấu thì sợ tránh đâu, thấy người gặp nạn không dám ra tay cứu giúp vì sợ liên lụy, thấy kẻ yếu bị thế lực mạnh gian ác hiếp hại không dám đứng ra bênh vực …

Người dân phát hiện cán bộ có hành vi sai trái, nhũng nhiễu…nhưng không dám lên tiếng vì sợ gán cho tội cái gọi là “ nói xấu cán bộ” hay vi phạm luật này luật nọ.

…Bản thân thờ ơ, miệng luôn u ơ nói kệ nó, lo chi không phải chuyện của mình, bệnh có tên khác, hơi Tây đó là MACKENO

    Bệnh vô cảm do vi khuẩn THÓI DỐI TRÁ tạo ra khi giá trị thực , đạo đức của con người bị đảo lộn .Bệnh nhân vô cảm để lâu trở thành biến chứng  thành bệnh mù  màu không phân biệt được trắng đen. .. Gọi người làm việc tốt là hâm, dè bỉu gán người dũng cảm đấu tranh vì lẽ phải là ngu, chê bai người thật thà, khen kẻ cơ hội người nịnh là người hiện đại

 Có triệu chứng dễ thấy nữa của bệnh vô cảm không biết người dân đói khổ như thế nào...vô cảm trước tiếng gào khóc của người dân.

 Có triệu chứng dễ thấy nữa của bệnh vô cảm làm bệnh nhân dễ ngủ quên, ngược lại có loại quơ tay múa chân sùng bái cái gọi là "thần tượng" theo cái thói a dua, đua đòi cứ ngỡ rằng đấy là mốt thời đại, sành điệu, xì ten…

    ĐIỀU TRỊ  bệnh vô cảm hiện nay không phải đơn giản. ...hu hu hu
 Một điều khủng khiếp và bất hạnh cho một dân tộc nào đó, nếu để:

   Bệnh vô cảm làm tê liệt tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của 
một bộ phận thanh niên?

 




 TẠI CÁI THẰNG ...GIÓ 

tải xuống     Sức khỏe của Nẫu hiện nay giảm thấy rõ, gần đây, cứ mỗi đêm gần đúng 2h sáng mình chợt tỉnh giấc rồi cứ chập chờn ngủ lại không được. Đêm  qua,  Nẫu trằn trọc nằm lăn qua lăn lại, ngọa ngoạy hoài, bà xã bực mình đạp cho một phát lăng quay xuống giường, …hic,  Nẫu  đành lôm côm, lủi thủi đứng dậy vào phòng đọc sách,  bật máy vi tính lên rồi vào mạng In -tề -nét xem báo để mở mang cái óc như bã đậu của mình  he he he he.

     Lướt qua Dân trí, (Dân trí thì phải dân trí rồi) đọc bài: Tay 6

ngón không được lái xe”.

  Quyết định của bộ Y tế: " Người thừa hay thiếu ngón tay, ngón chân

( trừ ngón út) không đủ điều kiện thi lấy giấy phép lái xe."


  Nẫu chợt nghĩ đến ông chú họ thương binh có một chân giả. Lúc

trước, vì gia đình khó khăn nên chú mỗi ngày phải lăn lộn, cọc

cạch với chiếc xe đạp chở đằng sau thùng Cà- rem đi bán dạo

. Khó ai phát hiện được chú có cái chân giả, vì chú biết lượng

sức mình nên đạp xe có vẻ chuyên nghiệp hơn những thằng lành

lặn như Nẫu. Ý thức giao thông của chú thì không phải nói, vì chú

luôn bảo vệ mạng mình và thậm chí cả mạng con chuột qua

đường… khác xa nhiều lần những cậu ấm, cô chiêu chạy xe bạt

mạng hiện nay. Khác xa những anh tài xế cố tình cán chết người, sao vậy? khe hở

luật? Nẫu nghĩ, có người 6 ngón nhưng  xử lý chạy xe an toàn, có

ý thức  hơn nhiều lần có những người đủ năm ngón. Có người mù

mà tâm họ sáng hơn người có đầy đủ hai mắt… 

   Cũng trong Dân trí, bài  nói về  qui định mới toanh của Bộ Giáo Dục về Qui chế thi tốt nghiệp năm 2013, khi phát hiện tiêu cực trong thi cử thì: Không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Bằng chứng về việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền.

    Đọc bài này Nẫu nhớ lại hồi nhỏ. Hồi đó , Nẫu bị ghẻ lỡ dưới

chân…Sợ con mình xấu trước cặp mắt bạn bè nên mẹ luôn bắt

Nẫu thường xuyên phải mặc quần dài để che cái mụt ghẻ chóc,

 lở loét đó  …he he he he( vì lúc ấy Nẫu chỉ ưa mặc cái quần cộc

chạy nhong nhong thôi). Nhiều lúc ba mẹ … kình lộn vì cái mụt

ghẻ của Nẫu. Ba lén mẹ…gỡ , khuôi cái mặt ghẻ ra để xức thuốc.

Lúc đau quá Nẫu la lên…mẹ lại la ba…”Ông đừng có ác, con đau

thấy chưa!”. Ba la lại: “ Cứ để bưng bít mãi, bà không cho tui

khuôi để xức thuốc, cứ che che, đậy đậy wài thì khi nào nó lành

hả?”

  
   Đọc tới đó , mắt cay cay muốn ngủ lại. Nẫu tắt máy vào phòng

riêng …chui vào mùng…để ru giấc ngủ, ( sáng  mai không có giờ

lên lớp tha hồ mà ngủ nướng để bù lại sức). ..Chập chờn chập

chờn , bổng  cái loa phường gần bên cạnh nhà vang lên:” ….
vươn

thể , một, hai
 …”

     Quái! Bình thường mỗi ngày  tiếng loa nghe nhỏ , hôm nay sao to thế? À,  hóa ra tại  thằng …gió!

 

 



LẼ NÀO MẤT HẾT NIỀM TIN?

     Chiều nay, có chuyện đi Long Thủy, khi về nhà chạy qua con đường vắng Hùng Vương. Trời sắp tối, trước mặt có bóng người phụ nữ vai mang nặng túi xách , dáng đi có vẻ nặng nhọc.
    Bụng nghĩ , sẽ chở giúp chị ấy một đoạn, nhưng đến nơi chân lại không chịu đạp thắng mà cho xe chạy một đoạn xa. 
   Thế rồi, đầu lại tự trách, dằn vặt, để rồi tay bẻ cong tay lái quay lại, híc.
- Về đâu? Lên xe đi!
- KHÔNG!
Một tiếng khô khốc, lạnh cả người. Chắc chị ta hiểu lầm mình thằng xe ôm? Tự dưng thẹn người quay xe bỏ đi, nhưng vẫn còn nghe tiếng nàng vọng theo…
- Già D.
Ôi! Oan hơn Thị Kính! Đời có nhiều giả dối, lẽ nào mất hết niềm tin?


BỆNH THÀNH TÍCH.

 

       Thằng BỆNH THÀNH TÍCH  đích thị là con của lão THÓI DỐI TRÁ, lão này có nhiều vợ, hôm nay Nẫu chỉ nói thằng BỆNH THÀNH TÍCH là con cái đĩ HÁO DANH vợ của lão mà thôi.
       Cái bản chất, bộ mặt của thằng BỆNH THÀNH TÍCH là nó hay nổ, nói láo thổi phồng những thành tích ảo từ một nói lên mười. Mục đích của nó là nuôi cái đĩ mẹ HÁO DANH, có con dì HÁM LỢI và thằng cha THÓI DỐI TRÁ cúa nó.
     Bất cứ ở đâu cần có số liệu thành tích để báo cáo đều có mặt thằng 
BỆNH THÀNH TÍCH xuất hiện, nó rất cơ hội, sơ ý một tí là nó tác oai, tác quái không biết đâu mà lường. Thậm chí như gỗ ván ép chỉ có được nước sơn bên ngoài còn bên trong thì bợ rạc, rệu rã, mục nát nhưng nó hô được, tốt , tốt, tốt, thành công tốt đẹp.
    Có lần ngành giáo dục tưởng đâu sẽ đánh, đuổi thằng 
BỆNH THÀNH TÍCH chạy te tua...nhưng không ngờ nó cứ nhởn nhơ chai lì. Như trường gì ấy lúc trước gọi là trường 0% bây giờ có thành tích nhảy vọt lên 100% đỗ tốt nghiệp trong năm học 2012 này. 
     Không riêng gì ngành giáo dục các ngành khác đều trăm hoa đua nở, mỗi ngành mỗi hoa, mỗi cành khác nhau lúc ẩn lúc hiện khó mà lường. Thành tích dạy con khỏe con ngoan, thành tích xóa đói giảm nghèo, thành tích thôn, xóm khu phố phường văn hóa, thành tích môi trường xanh, sạch đẹp, thành tích xây dựng công trình nhà cửa, đường sá, thành tích tăng trưởng kinh tế, thành tích qui hoạch biến đất trồng lúa thành công trình này nọ.... và có cả thành tích báo cáo những thành tích, sơ ý là nó nhảy vào khống chế các con số thực thành con số ma.
    
BỆNH THÀNH TÍCH nó thường hay... nổ quí này tăng hơn quí trước, năm này có con số chỉ phần trăm lớn hơn năm qua ...Không tin bạn cứ chú ý xem TV thử, hay  "sọt" lên thằng "Gú gồ" này xem...Nẫu không dưng đi từ không nói có chi cho thiên hạ ném đá mình.
     Có ai nói rằng thằng 
BỆNH THÀNH TÍCH làm cho đời xinh tươi hơn, màu mè, tốt đẹp và tròn vo hơn, có làm ai chết đâu. Nhưng chính họ quá biết cái thằng này nó giết dần giết mòn cái giá trị đích thực của con người, làm con người bay lên mây như người cõi trên. Nói toạc ra như người đang nghiện ma túy.
   Vậy, bằng cách nào để trị
 thằng  BỆNH THÀNH TÍCH ? Theo Nẫu,  không những trị thằng BỆNH THÀNH TÍCH thôi, mà trị bá bệnh dễ ợt như: Hãy giảm băng rôn, khẩu hiệu, giảm cái loa hô hào, nên tập trung biến mấy "sếp gương mờ " làm sao trở thành những cái gương sáng chuẩn mực đạo đức cho thiên hạ soi, ngắm là được.....để có cái sau này con cháu chúng ta kể chuyện cổ tích có phần mở đề:" Ngày xưa, có một ông quan thanh liêm..."


 BỆNH LẠ: CỔ DÀI RA.

      Mấy tháng nay, sáng nào cũng vậy, ngủ dậy, tập thể dục xong tắm một phát lại soi gương ngắm mình một tí thấy yêu đời lạ, vì bổng dưng mình đẹp trai ra, cao hơn một tí.
      Nghe nói mấy ả chân dài, có ả tốn tiền triệu, tiền tỉ vô thẩm mỹ viện để kéo cái chân nó dài ra, còn Nẫu tự dưng mấy tháng nay trời cho nó dài hơn ... không phải cái chân mà cái... cổ mới oách chứ lại. Phụ nữ Kayan dân tộc thiểu số tại Myanmar và Thái Lan luôn khoe cái cổ cao của mình, vì vòng vàng đeo trên cổ cáng nhiều thì thể hiện đẳng cấp càng giàu, đẹp. Vì thế, đêm nào Nẫu cũng mong trời chóng sáng để dậy soi gương chiêm ngưỡng cái cổ mình dài thêm ra.
       Có lần đang trong giờ giải lao, Nẫu lên phòng hội đồng định khoe với các thầy cô cái hiện tượng lạ cổ dài của mình, nhưng khi nhìn các cô giáo đang tự nhìn mình trong gương rồi cười tủm, thích thú làm Nẫu rụt lại, nghĩ: " Hình như các cô cũng đang phát hiện cái cổ mình dài ra". Nẫu lại bên cạnh một cô, hỏi ướm: 
-Hi hi hi...Cô T. hôm nay trông đẹp ra hén?
T. nhìn Nẫu với ánh mắt lấp lánh, sung sướng, hai tay vuốt tóc từ cổ hất mạnh lên, rồi lắt lắt cái đầu:
- Nẫu thấy mình cao hơn trước không?
    Đúng y chang như Nẫu nghĩ, thế không phải trời chỉ thưởng riêng cho mình. Về nhà, tối nằm ngủ chung với vợ cứ ngọ nguậy lấy tay đo cổ vợ xong lại đo cổ mình so sánh hoài, vợ bực hỏi:" Anh làm cái quỷ quái gì vậy, em thích chỗ khác nữa cơ, cứ mân mê cái cổ hoài, ghét!". Vậy là trời không ban phước cái bệnh lạ ấy cho vợ rồi! 
      Sao vậy ta, kẻ có người không? Nằm suy nghĩ nhiều đêm Nẫu mới phát hiện ra chỉ có những người dạy học, giáo viên như Nẫu mới có cái diễm phúc ấy. Mà lạ, giáo viên nào cáng ở vùng sâu, vùng xa hơn thì cái cổ càng dài thêm ra hơn, càng xứng với thân hình mảnh mai, gầy còm của họ. Nhưng không phải ai cũng được như vậy, tùy theo nghiệp vụ chuyên môn của từng loại giáo viên, giáo viên nào ít hay không dạy kèm, dạy thêm được thì trời cho cái cổ càng cao hơn, dài hơn. Sao vậy?
     Lốc cốc, lốc cốc gõ lên bàn phím định Entry bài này để hỏi các bạn còm: "Tại sao cổ của các thầy cô dạo này cao lên vậy?".  Bỗng dưng,  Nẫu nhảy cẩng lên, gần tuột cái quần cộc đang mặc trong người ( vì trời nóng, nên chỉ mặc cái quần cộc thôi ). Nẫu gào to lên như cách đây hơn 2000 năm Acsimets tìm ra lực đẩy của nước, hô lên: " Tìm ra rồi, tìm ra rồi". Nẫu lại hô:

- Ỏ -Rê -Ca, Ỏ -Rê -Ca, THÂM NIÊN, CHỜ THÂM NIÊN, CHỜ NHẬN TIỀN THÂM NIÊN CỦA GIÁO VIÊN!
     Lúc trước, có lần cổ cũng cứ dài ra chờ đến năm 2010 giáo viên sống được nhờ lương. Vì sự tiến hóa nên bệnh lạ "cổ dài" sẽ tiếp diễn để giáo viên nhìn xa trông rộng đáp ứng được cái gọi là  người ươm mầm xanh cho tương lai?



THÓI DỐI TRÁ LÀ BIỂU HIỆN CỦA SỰ SUY THOÁI VỀ ĐẠO ĐỨC

Sáng nay, bắt gặp một câu trong đề văn thi tốt nghiệp THPT năm học 2012 có câu hỏi: Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội

    Nẫu là giáo viên dạy toán, chỉ biết con số, cái hình và phép toán. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng một cộng một bằng hai.  Nẫu không dám bình loạn hay lạm bàn về câu nghị luân xã hội xem tưởng chừng đơn giản nhưng quá lớn này. Nếu Nẫu là thí sinh đợt này chắc chắn cũng bị đánh hỏng vì làm "lạc đề" thôi, không thì "du di" theo cái "dối trá " của nó. Vì sao ư?  Sao mà không "lạc đề" được khi mà xã hội này sự dối trá không phải là it? Loại người nào dối trá, có tầm ảnh hưởng để gọi là suy thoái  đạo đức trong xã hội 
nhiều nhất? Ông nông dân dối trá cái gì,  chị công nhân dối trá ai để suy thoái đạo đức trong xã hội? Giáo viên đứng lớp như Nẫu có dối trá với đồng nghiệp với học sinh để suy thoái đạo đức trong xã hội? Nếu có, ở mức độ nào? Nguyên nhân phát sinh hay hệ lụy? Lời dối trá khi nào trở thành thói dối trá? Thói dối trá hay chỉ nói lên sự nói dối , lừa dối nhỏ mọn về cái ăn ,cái ở, cái tỵ hiềm bon chen trong cuộc sống? Nẫu nghĩ, dối trá để suy thoái đạo đức xã hội là lớn hơn kia, phải chăng  đó là những cái tư duy khẩu hiệu, học giả bằng thật, tiêu cực trong việc dạy, học và thi cử, thăng quan tiến chức, chạy đua báo cáo thành tích hão, nói một đằng làm một nẻo, nói hay nhưng không làm, đánh trống bỏ dùi, bóp méo sự thật, đổi trắng thành đen... Dối trá ở chợ và dối trá ở quan trường có khác nhau không, và cái nào làm suy thoái đạo đức xã hội nhiều nhất? ...

    Dù sao câu hỏi này khi chấm ít nhất cũng có sự “ dối trá” của người chấm. Nếu thí sinh nói những cái "dối trá" như nói dối, lừa, phỉnh , gạt…thì có suy thoái  đạo đức xã hội không, mức độ nào? Nếu thí sinh có kiến thức, biết mạnh dạn  phóng to lên AI, DẠNG NGƯỜI NÀO DỐI TRÁ NHIỀU NHẤT để suy thoái đạo đức trong xã hội này và đưa ra một dẫn chứng cụ thể, liệu có điểm cao không??? Theo Nẫu nghĩ câu hỏi này còn  nằm trong một giới hạn, thực ra thói dối trá đôi lúc ảnh hưởng đến sự tồn vong của một đất nước.


NÓNG

     Mấy hôm nay thời tiết nóng kinh khủng, ở trong nhà mặc chỉ mỗi cái quần cộc thế mà mồ hôi cứ tuôn ra, nóng không chịu được. Đứa bạn biết gọi, hỏi : " Sao mày không bật máy điều hòa lên cho mát,  cứ than thở nóng hoài vậy?". Đúng cái giọng quan liêu, tưởng ai cũng sung sướng như nó, cứ ngỡ dân ta đã giàu lên nhờ có rừng vàng, biển bạc rồi không bằng . Nhắc lại, nhớ chuyện xưa, chuyện những ngày mới giải phóng, có ông thầy vô lớp dạy nói huyên thuyên rằng sau 20 năm nữa nền kinh tế nước ta đuổi kịp và vượt xa thằng Nhật. Có thằng học trò nghe thầy dạy, sung sướng quá , bật hỏi:" Bằng cách nào tài tình vậy thầy?". Thầy không nói mà bước thẳng lên bục giảng ra điều bí hiểm ghê gớm, lặng lẽ lấy phấn vạch lên bảng hai điểm cách xa nhau rồi cẩu thả nối hai điểm ấy lại một vòng ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, thầy lấy thước chỉ chỉ, nhịp nhịp lên nét vẽ ấy, nói: "Thằng Nhật nó đi như thế này, thế này, nó đi vòng vèo như vậy đấy!". Với vẻ mặt nghiêm trang, thỏa mãn, thầy đặt thước kẽ vào hai điểm, rồi thận trọng vạch lên đó bằng phấn màu đỏ một đường thẳng sắc nét, đẹp, thầy bảo: " Việt nam ta sẽ đi tắt, đón đầu như thế này, đi thẳng, không vòng vèo như tụi nó". Từ ngày thầy nói đến nay gần gấp 2 lần cái 20 năm thầy dạy, Nẫu nhớ và hy vọng mãi. Có lẽ thầy học hoặc nghe ai nói ở đâu , rồi nói lại cho cái đám học trò ngơ ngác lúc ấy, phải không thầy?
   
      Nẫu chạy về nhà mẹ, đem cái võng 
đặt dưới bóng râm cây me cao lớn trước sân vườn nhà rồi nằm lên đung đưa kêu cót két. Gió nồm nam thổi hắt qua khô rát, trái khế chín trên cây rụng xuống đất, chị gà mái hốt hoảng bỏ chạy. Chó xù nằm bên cạnh thản nhiên ngóc đầu, le lưỡi thở khò khè,  không biết nó đang nghĩ đến khúc xương hay trời nắng quá làm nước dãi chảy xuống đất ướt đẫm cả một vùng trước mặt.

    Nóng quá!


TỞN THÓI QUY CHỤP, NỊNH TRÊN , NẠT DƯỚI

 

Hôm 1/5 vừa rồi tụi học sinh cũ của Nẫu chủ nhiệm đầu tiên đã lôi Nẫu vào họp chung lớp với tụi nó, để có cái mà kính thưa : “ Thưa thầy chủ nhiệm, người mà lớp em diễm phúc được thầy chủ nhiệm theo suốt ba năm học vun trồng….” Nghe nói thằng MC này hiện nay nằm trong ban tuyên huấn nào đấy nên lời của nó ngọt như mía lùi. Ai không biết mấy ông giáo mới ra trường dạy và kiêm chủ nhiêm lớp là cực hình cho tụi nó , có theo đè tụi nó như mấy ông thúc thu thuế thì có, đừng hòng nói vun trồng với vun đắp.  Hết màn thưa đến màn tặng quà, chúc mừng bài bản ra phết;  đến màn nhậu là xôm ra trò, zô, zô  thấy thích.

     Đang nhậu, thấy thiếu vắng thằng T nổ, có nó nổ nghe vui hơn, thế là nhắc đến nó . Thằng L ngứa tay bấm máy mở loa, gọi : “ Alô… Bạn T đó hả? Hôm nay quên họp lớp nha, thầy chủ nhiệm đang nhắc bạn đấy!”

Tiếng thằng T nổ vọng ra từ loa điện thoại:” A! Tao đang lên máy bay, ra Bộ họp nè!”. Trời, đúng là nổ,  vừa khoe đi máy bay vừa khoe ra Bộ họp. Cả bàn nhậu bỏ đũa cười rung rinh , lắc lư cả bàn ghế, có thằng cười ló cái cọng bún lòi ra lỗ mũi. Thằng L cướp máy gọi lại:” Alô, cảm ơn mày nha, tao vừa mắc cổ xương gà, nhờ mày thông báo đang đi máy bay ra Bộ họp nên tao sặc ra rồi!”. Lại một dịp cười ngả nghiêng nữa. Đúng là đời dạy khôn nó! Hồi xưa nó học lẹt đẹt,  tuần nào cũng bị bắt làm kiểm điểm vì tội copy.  Nổ như vậy mới xứng đáng, mới mau làm quan được..Có nhiều bạn chơi Blog gọi “Nẫu ơi! Gửi tặng mình cái hình coi!”.  Nẫu đếch có cái hình quái nào, thế mà tụi học trò ngày nay mở Abum ra khoe nào vừa mới đi công tác ở một đất nước xa xôi nào đó với sếp A trên cục,  trên bộ có cái hình chụp chung,  trông hình  thấy nó oai, oách kinh khủng. Đúng là đời dạy nó khôn ra!

       Thằng H bỗng dưng nhìn chăm chăm vào mặt Nẫu hỏi:” Thầy còn nhớ em không?”. Chưa kịp trả lời có đứa nhảy phóc vào mồm:” Thầy chỉ nhớ thằng học giỏi và thằng hay nhảy rào bỏ học như tao thôi, nhớ mày làm gì!”. H đáp trả lại: “ Nhưng mà tao đặc biệt, thầy cho tao hai con zero một lần” . Nẫu chưa kịp nghĩ ra, nó kể như mới xảy ra ngày hôm qua:” Hôm đó, thầy gọi em lên giải bài tập cũ thầy cho về nhà, em không giải được,  thầy cho em con zero rồi hét: “ Đi xuống!”. Lúc ấy em ức vì mình quá chủ quan khinh thường về nhà không chịu giải trước ,  nên hậm hực, em có ném  mạnh viên phấn xuống bục rồi mới xuống chỗ ngồi, thế là thầy giận, thầy mắng em là vô lễ này nọ, thầy lấy sổ điểm ra nhìn em,  nói to cả hai phòng học bên cạnh cũng nghe : “ZERO, VÔ LỄ!”. Quên rồi!. Không biết nó nói thật hay đùa!  Cũng có thể lắm, vì lúc ấy mới ra trường, ra sức thi đua mà, hơn nữa lúc ấy nhìn đời cứ như phơi phới:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ.

Mặt trời chân lí chói qua tim.

           Cái thời ấy, học trò và phụ huynh sợ thầy úm,  thầy chiếu tướng lắm, nên nhà có đám giỗ không dám quên thầy cô,  phải có mâm cỗ dành riêng cho thầy cô giống như mâm cúng các bác vậy. Vì thế có giai thoại đứa học trò làm văn tả người thầy giáo như thế này:” Hôm qua nhà em có đám giỗ, có một “bầy thầy” và môt “ lũ cô” đến nhà em ăn cỗ….”

         Thời ấy, cứ thầy nói trò nghe, thầy đọc trò chép (qua bao lần đổi mới mới đổi, ngày nay thầy ra sức trổ tài biểu diễn nhấp nháy trên màn hình để có cái gọi là ứng dụng công nghệ thông tin, còn trò cố dụi mất ra mà nhìn). Học trò lúc ấy lỡ mở miệng ra phản biện là : Hỗn!. Láo!

        Có lần Nẫu đang say sưa giảng bài,  nghe tiếng ồn dưới lớp , nhìn xuống thấy em TT đang quay xuống bàn dưới nói chuyện, Nẫu quát:“ TT đứng dậy, lên đây!”. Nó ngồi im.” Tôi nói lại một lần nữa, mời cô đứng lên!”. Trời ạ! Nó không nhúc nhích. Tất cả các cặp mắt đổ dồn vào nó. Mặt nó  đỏ ửng lên. Nhưng chắc không đỏ bằng mặt thầy Nẫu giận tím gan lúc này: “ Cô có nghe không? Nếu cô không đứng lên, tôi sẽ bỏ lớp! MỜI CÔ ĐỨNG LÊN!”. Nẫu gằn từng tiếng một rít qua khẽ răng, nhưng em ấy lại cúi gầm mặt xuống bàn khóc thút thít.  Nghe tiếng khóc,  tay chân Nẫu rụng rời, hoảng lên, vứt mạnh viên phấn lên bàn kêu khô khốc, Nẫu lặng lẽ ra khỏi cửa lớp bỏ lại đằng sau tiếng vỡ òa như đàn ong vỡ tổ.

      Lên phòng hội đồng, uống vội ly lước trà sao mà chát, đắng trong cổ họng. Chưa kịp ngồi, hai nàng ngồi bên cạnh TT theo lên, một nàng đứng trước mặt Nẫu hai tay múa, chân dậm dưới đất miệng nhõng nhẽo: “ Thầy nè, bạn ý, bạn  ý, có chuyện…”. Nẫu trừng mắt lên, nạt:”Chuyện gì? Tụi em bênh vực nó hả? Vô lễ đến thế chứ chuyện gì?”

“ Không phải, bạn ấy đang có chuyện, tới tháng đấy thầy, quần trắng, áo dài trắng và lỡ…kẹt…kẹt…thầy không tâm lý chút nào, thầy xấu!”. Đang há hốc nhìn đứa này đứa nọ đệm thêm: “ Thầy lèo, thầy ác!”.

   Trời! Đúng thời ấy chưa có quảng cáo ra rả trên TV rầm rộ nào là Kotex, Diana…như bây giờ.

    Đáng đời cho thầy Nẫu, người lúc nào cũng quy chụp tội này nọ cho người khác giống như mấy ông quan ưa thói hống hách, nịnh trên, nạt dưới.

       

Ò, E, Í, E...TÍT, TÍT, TÍT... 

 

 

   

 

 Ngày hôm trước:
  -O. e, í, e, ...tít, tít, tít....
 Cái lão này tệ thật, chưa đầy 9h tối  lão đã khóa máy ngủ rồi!  Lão hứa sẽ giúp cho thằng cháu Nẫu mới học ra trường vô công ty của con lão làm việc, lão bảo có gì cứ gọi lão, thế mà ngủ rồi. Lão nhàn thật, những đứa con của lão, đứa nào cũng đều thành đạt cả. có đứa đang là một đại gia nổi tiếng tỉnh nhà.
-Ò, e, í, e, tít tít tít,....


   Ngày hôm qua:
   -O. e, í, e, ...tít, tít, tít....
 Hừ! Buổi trưa mà lão cũng ngủ ngon lành. Cách đây hơn 3 tháng lúc nào lão cũng réo:  "Thầy ơi! Tôi đã tìm ra loại thuốc nam chữa bệnh cho tụi mình rồi, Thầy cứ yên tâm đi, tin vui cho tụi mình đấy!". Tuổi của lão hơn tuổi Nẫu nhiều, nhưng lúc nào cũng gọi Nẫu bằng thầy, xưng tôi.  Nẫu gọi lão bằng anh lúc chú tùy theo sức khỏe của lão thể hiện ra bên ngoài. Lão không thuộc nhóm nhà nghiên cứu này nọ, lão là một nhà kinh doanh không phải hạng xoàng, con của lão đứa nào cũng thông minh, chắc lão cũng thông minh. Nẫu tin lão, lực hấp dẫn không phải bắt nguồn từ trái táo rơi của Niu -tơn sao. Lão phác họa, lão sẽ đi cứu người từ cây thuốc nam lão đã tìm ra và Nẫu là thư kí đắc lực cho lão,  lão thường nói:" Thầy giỏi vi tính, giỏi In- tề- nét thầy cứ đi tìm ai có bệnh như tụi mình đem về đây tụi  mình chữa miễn phí, chỉ lấy một ít tiền nhà giàu để bù đắp công cho thầy, còn tôi thì khỏi, mấy đứa con chắc không bỏ tôi đâu".
Nẫu thích quá! vừa cứu mình lại cứu người ai lại không thích.
 -O. e, í, e, ...tít, tít, tít....

 Ngày hôm nay:
 -O. e, í, e, ...tít, tít, tít....
   Lại nữa, lão giàu có vậy mà thay đổi sim mới sao?. Lâu quá, vì bận không lên thăm lão được. Lão hứa khi nào uống thuốc nam hết thật sự lão sẽ nhường các lọ thuốc tây dự trữ cho Nẫu. Chứng bệnh của Nẫu và lão hiếm gặp, không phải nan y nhưng Bác sĩ khuyên phải uống thuốc mãn đời. Vì bệnh hiếm gặp nên mua thuốc cũng cực kì khó khăn, phải mua ở Sài Gòn hay Hà Nội mới có. Nhà lúc nào cũng phải dự trử hai, ba lọ, vì có lúc bị đứt hàng không có thuốc. Vừa rồi, một bạn chơi blog người Hà Nội nhã ý, gọi tới: " Nẫu đưa địa chỉ của bạn đi, mình tìm mua thuốc gửi vô cho ! ". Nẫu từ chối, vì thời nay chỉ cần biết số địa chỉ nhà thuốc và có tài khoản riêng của mình là được tất, Nẫu sợ mình làm phiền đến người khác.
  -O. e, í, e, ...tít, tít, tít....
 Nẫu đánh xe chạy lên thăm lão. Nhà vắng tanh, lạnh ngắt. Mẹ lão nhìn Nẫu hồi lâu mới nhận ra , khẽ nói:
  - Nó chết rồi, cháu không hay tin gì sao?
  Bàng hoàng, lặng người, nước mắt tự tuôn. Đời ngắn ngủi quá lão ơi! Hãy cố sống và cố thương yêu nhau, phải không lão? 
  - Cho con thắp chú ấy một nén nhang?
  - Bàn thờ để ở nhà vợ nó rồi.
   À, Nẫu quên đây là nhà mẹ của lão, trước kia nghe lão nói từ khi ly thân vợ lão đã bỏ hết, bỏ hết tất cả để về ở với mẹ mình hôm, sớm hai mẹ con có nhau.
    Người ơi, đừng cắn xé, giả dối nhau, hãy thương yêu nhau đi. 
  Nẫu bấm máy lần cuối.
  -O. e, í, e, ...tít, tít, tít....
 Vĩnh biệt lão, danh bạ điện thoại của Nẫu bây giờ không có cái tên:AV.

 


 

CHUYỆN ĐỜI HƯ ,THỰC SAO KHÓ LƯỜNG VẬY?

 

 


 

 

Bây giờ làm ông giáo làng , nhớ lại thời học phổ thông sao mà nghịch quá vậy. Hồi đó, trường, lớp  học còn quá thiếu thốn, cả một địa bàn rộng hơn 2, 3 huyện mới có một trường cấp 3. Tụi học trò ở huyện khác đến trường Nẫu học phải mang theo gạo, khăn gói  từ nhà đến ở nhà trọ chung quanh trường để mà... dùi mài kinh sử.  Có lúc phải nhịn đói vì nếu mang theo gạo trên 10 kí thì bị mấy ông quản lý thị trường tóm, bắt nói là hàng quốc cấm. (thời bao cấp mà lại)
      Nẫu học từ lớp 9 đến cuối lớp 12 luôn là anh lớp trưởng... không gương mẫu, chấp hành chiếu lệ, thậm chí không chấp hành thầy chủ nhiệm, nhà trường khi biết đó là 
việc thầy phỉnh, dụ nai trò hay chuyện đó không đúng, ...  Nhưng lúc nào cũng bị bạn lớp bầu làm lớp trưởng, thế mới chết. 
     Chuyện kể dưới đây có sao nói vậy,  không thèm thêm mắm, muối chi cho mặn, Trong này có vài thằng bạn cũ đang mỉm cười theo dõi nó, nếu nói sai bạn nó cười cho biết hổ thẹn. Chuyện kể như thế này:
       Đó là, một buổi sáng ra chơi 
như thường lệ, nó và vài đứa có râu mép ghé vào quán ông cai trường (nay gọi là ông bảo vệ) để hút trộm điếu thuốc, vì lúc ấy nghĩ nếu hút thuốc thì con gái nó để ý, nó mê. Đang hút, thầy H bước vào, thầy dạy môn thể dục nó thích nhất, vì thầy lúc nào cũng cho nó điểm cao về môn nhảy xà, đẩy tạ. Thầy không quở phạt gì mà kêu nó lại và nhìn với cặp mắt trìu mến như quyến luyến điều gì:
- Ngày mai thầy bị chuyển đổi đi xa rồi, em ở lại cố gắng học cho thật tốt nhé!
Nỗi buồn ùa đến, ngơ ngác, nó hỏi:
-Thầy đi đâu, tại sao thầy đi?
Thầy nhìn nó với cặp mắt ra vẻ u buồn, như có điều gì bí ẩn lắm vậy :
-Thầy bị đổi vào Khánh Hòa.
-Thầy không thích tụi em à?
Như quả quyết một điều gì, vẻ day dứt, phân vân lắm thầy vỗ vai nó, nói:
-Tối, em xuống nhà trọ của thầy, thầy sẽ nói lý do vì sao thầy đi cho em biết.
     Tối đó, nó rủ thêm mấy đứa bạn thân nữa xuống nhà thầy ở trọ.  Một đêm không ngủ, thầy trò ôm nhau tâm sự.  Nghe thầy kể, nó hình dung ra như cuộc sống có nhiều sự phức tạp lắm. Trong tập thể giáo viên, những người mẫu mực đẹp đẽ như thế mà đối xử với nhau một cách thậm tệ vậy ư? Thầy còn nói có loại người phấn đấu vươn lên bằng cách đạp lên lưng người khác để vói lên cao.
Thầy kể rất ư nhiều chuyện giống như thầy là một sĩ quan chính trị viên đang châm lửa vào người nó trước khi xung trận vậy .
        Lòng sục sôi, căm phẫn khi nghe thầy luôn 
than thở lúc nào cũng lập lại điệp khúc:  "thầy bị gãy, bị gãy, ức quá, thầy bị gãy!".  Nó hình dung thầy như thân cây đồ sộ bắt đầu trụi lá , dần dần sắp gãy. Cây thẳng của thầy sắp gãy vì sự xô đẩy xảo trá, áp bức xấu xa đê tiện của một nhóm giáo viên xấu xí chèn ép.
      Tự nhiên nó ghét những bộ mặt tỏ ra đạo đức giả khuyên người này, người nọ nhưng lòng rất dã tâm. Thế là cái tuổi bồng bột, tuổi đầy hiếu thắng, tuổi ưa xem tác phẩm "Ruồi Trâu", truyện " Người chân chính" ...mà thầy tiếp lửa thôi thúc nó hành động.
     Nó hành động thật, đêm sau đó nó âm thầm cùng với một số bạn thân nhất đi rảo khắp các nhà trọ của tụi học sinh của tụi nó học để vận động một cuộc "biểu tình " cho ngày mai. Á
p dụng những quyển tiểu thuyết, truyện ký đã đọc kể về một cuộc tấn công nổi dậy nào đó sắp xảy ra,  nó đi rỉ tai những anh lớp trưởng, bí thư các lớp nên làm một việc cái gọi là "chính nghĩa".
     Thế là buổi sáng hôm sau, vào thời điểm lúc 5 phút thập thể dục ngoài giờ của toàn trường trong giờ ra chơi ấy, khi các động tác quơ tay, múa chân vừa  xong,  thầy K.A bí thư đoàn trường kiêm thầy giám thị như thường lệ đưa cái loa cầm tay lên miệng hô to:
-Rèn luyện thân thế.
Như mọi khi, đáng lí ra tất cả học sinh của trường phải dơ cánh tay lên và hô, đáp lại : "Bảo vệ tổ quốc", nhưng không, chen vào đó có nhiều tiếng hô dõng dạc, rất lớn:
-Noi gương thầy H.
Tiếng hô thật to, thật rõ. 
- Rèn luyện  thân thể.
- Noi  gương thầy H.
       Thầy Bí thư đoàn trường ngơ ngác, không biết chuyện gì đã xảy ra. Có thể thầy chưa nghe rõ nên hô tiếp :" Rèn luyện thân thể" thì cả sân trường lại vang lên" Noi gương thầy H" một lần nữa. Thầy buông loa xuống, há hốc mồm đứng ngơ ngác dáo dác nhìn lớp này sang lớp khác, thầy không biết cái quái dị gì đang xảy ra . Không biết thầy nghĩ như thế nào, chỉ im lặng, lặng lẽ cầm cái loa lủi thủi bỏ lên văn phòng hội đồng để lại cả sân trường nhốn nháo, nhưng nghiêm túc khác lạ hơn mọi khi.
     Cứ thế, hôm sau lại tiếp diễn một lần nữa, không những chỉ riêng thầy K.A chứng kiến cái cảnh ấy mà có nhiều thầy cô khác đang đứng trước cửa hội đồng há hốc mồm ngơ ngác, xiết nỗi ngạc nhiên, nhưng cũng không ít thầy cô miệng mỉm cười ra chiều thích thú. 
    Biết rằng như vậy cũng khá "thành công", nhưng tụi nó bắt đầu rét, có đứa bảo cứ tiếp tục làm như vậy trước sau gì nhà trường cũng sẽ đưa ra kỉ luật nặng , thậm chí công an sẽ sờ gáy, không chừng gán cho cái mác tụi "phản động" có nước tiêu tùng đời tuổi trẻ... eo ơi! Thế là đêm kế tiếp tụi nó vận động trở lại, qua giai đoạn mới 
"hoãn binh" và không" hoạt động" nữa.
       Nếu như sáng hôm ấy ông cai không đi tất cả các lớp đưa cái tin thông báo khẩn trương
 có nội dung răn đe: "Em nào có thái độ phát biểu, hô bậy bạ ngoài sân trường trong giờ thể dục sẽ bị kỉ luật"; thì cũng không có ai hô chi nữa. Trời ạ, cái hoãn binh của tụi nó kịp thời, đúng lúc, hú vía.
      Nhưng nó đã lầm, đùng một cái cũng ngày hôm ấy, cuối tiết năm gần ra về chỉ mỗi riêng mình nó nhận được thông báo của trường, nó phải ở lại gặp cô giáo chủ nhiệm. Linh tính báo trước chuyện gì đã xảy ra. Những từ "bất khuất", "dũng cảm", "chịu hy sinh" không hé ra một lời trước kẻ thù trong ngục tù của các chiến sĩ đã thôi thúc nó phải chiến đấu đến cùng. Nó nhủ thầm nếu ai hỏi vì sao để hô đáp lời "Rèn luyện than thể"  thay vì hô "Bảo vệ tổ quốc" lại hô " Noi gương thầy H" như vậy có đáng tội "phản nghịch" không;  nó sẽ trả lời vì thầy H là thầy dạy thể dục nên noi gương sức khỏe của thầy đấy chứ ạ.
Trưa hôm ấy, tất cả đều về nhà nên cả trường vắng lặng. Nổi sợ hãi bắt đầu xua đuổi lòng trung kiên của nó. Bước vào phòng hội đồng nó chỉ nhìn thấy cô chủ nhiệm T và thầy L đang chờ, nhìn nó chầm chập .
- Ai khiến em hành động kì quặc này, em không nói , em sẽ bị kỉ luật nặng đấy!
Chưa kịp ngồi nó đã bị thầy L phủ đầu đầy sức răn đe như thế.
Thầy L mặc dù không dạy nhưng nó biết, vì thầy người miền Bắc, luôn đội chiếc mũ cối trên đầu. Thời ấy ai là người miền Bắc thì như thể là một chiến sĩ cách mạng vậy, nghĩa là bộ đội chống Mỹ ấy, có giá lắm.  Thế rồi, cuộc đấu khẩu giưa thầy L và trò nổ ra. Cô giáo chủ nhiệm chỉ nhìn nó vừa cười, vừa khuyên khích khuyên nhủ bảo, nói đấy là hành động sai trái. Nhưng nó vẫn 
cứ "kiên cường", "kiên định" không nhận, không thấy gì ... giống như bài bản của những quyển truyện nó đã đọc.
      Buổi họp trưa hôm ấy cũng kết thúc trong sự hăm dọa, răn đe của thầy, "kiên cường", "bát khuất" của trò.  Nói là "kiên cường" trước mặt thầy, nhưng về nhà nó thấp thỏm lo âu, sợ như sốt vó, nó nghĩ có lẽ nó sẽ bị đuổi học, nó sẽ bị công an bắt giam, cuộc đời của nó sẽ chấm dứt tại đây và sự nghiệp của nó sớm chấm dứt. Nhưng ơn trời, không biết vì lí do gì ngày qua ngày không có chuyện gì xấu xảy ra với nó. Chuyện đó sớm bị quên lãng, bè bạn, thầy cô vẫn không ghét bỏ gì nó. Nó tiếp tục học, tiếp tục làm thầy giáo, tiếp tục được trả giá bỡi những học sinh của nó lập lại sau này.
       Còn thầy H nghe đâu hiện nay làm tới chức gì to lắm ở thành phố Nha Trang của quê thầy. Ôi, bị đi đày mà về gần nhà như thế ai mà không thích bị kỉ luật!
Thầy K.A bí thư đoàn trường không còn làm thầy giáo nữa mà từng là anh ba, anh bốn của tỉnh nhà (mới về hưu). Cô T chủ nhiệm, đồng nghiệp của nó sau này , nó biết cô hay PR cho nó với các lứa đàn em sau này cô dạy: " Nẫu thông minh, học toán giỏi lắm, nhưng có cái tính hay tàng tàng" - cái tính hay tàng tàng là nó tự thêm vô đấy, để cho nó giống nó chứ cô giáo không nói nó vậy đâu vì cô thương nó lắm.

       Một lần gần đây khi đi coi thi ở một huyện xa, trưa nó ở lại tại trường sở tại cùng phòng với thầy L.  Hai thầy trò ghép chung hai cái bàn học sinh lại gần nhau cùng nghỉ trưa. Tự nhiên chuyện cũ nhắc lại, thầy và trò đều nhớ, thầy cười, nhưng cái cười khác trước, không mỉa mai, cái cười như đồng lõa với hành động của nó lúc trước, thầy nói:
- Lúc ấy, các em làm như vậy tụi giáo viên tao cũng thích...Vì có giáo viên nào dám há cái mồm ra phản ứng chuyện này, chuyện nọ đâu.
Hai thầy trò cười nhau ha hả, nó hỏi:
-Lúc ấy tại sao thầy biết em là đầu têu?
-Vì có đứa méc...bây giờ nó làm lớn lắm đấy ...
À, ra thế! Chuyện đời hay là ở chỗ đó. Nhưng nó cũng an ủi được phần nào cái thời ấy ,,. Nó tàng tàng thế mà nói có nhiều bạn nghe. Thời ấy, học sinh học giỏi tí nói bạn bè nghe, gái nó mê, không phải như bây giờ "nhà mặt phố, bố làm quan to" mới oách. Bây giờ nó làm ông giáo làng nói ai nghe, thậm chí phỉnh 
dỗ mấy đứa con đừng ngã theo phe mẹ cũng không được mà phỉnh được ai .
Bỗng dưng thầy cười ha hả, rồi nói:
-Nhưng mà lạ, lúc ấy không biết các em hô noi gương thầy H là noi gương cái quỉ quái gì, vì thầy H lúc ấy có hủ hóa lấy một chị con chủ nhà có thai, nhà trường đề nghi kỉ luật trong khi các em đòi noi gương.
  HA HA HA...Không biết lời thầy L đúng hay sai, nhưng mà lạ, chuyện đời hư, thực sao khó lường vậy? 

 


 

MỘT MẮT MÙ CỦA CHA, VẾT SẸO DÀI TRÊN

LƯNG MẸ.


Cách đây một năm,  lúc 9giờ đêm 13/3 âm lịch cha ra đi vĩnh viễn.  Hôm nay cũng thời khắc ấy con nói lên lời này kính hương hồn cha tặng mẹ già của Nẫu


Khi con đủ lớn

Con nhận biết, mắt cha chỉ còn một con.

Áo bay, thân hao mòn, sần sùi vết sẹo dài trên lưng mẹ.

Con hỏi mẹ,  ai móc mắt ba

Con hỏi cha, ai lóc da của mẹ.

 

Cha không nói , mẹ lặng lẽ  mỏi mòn qua năm tháng.
Tính bao dung, trách số phận,  ngỡ chuyện đời đơn giản.
Cha nào biết dĩ vãng như trái banh
Bị vờn , bị đá của sức mạnh uy quyền.

Thương cha, cơ cực đảo điên, 
mẹ sụp, quị xuống chậu than hồng
khi sinh anh con chưa đầy một tháng.

  
Nơi tù xa , ngày đêm qua thầm lặng.
Trận đòn nặng, thương mẹ, nước mắt tuôn 
cái ấu trĩ cướp luôn cha  con mắt.

 

Ngày tháng qua đi không là bước ngoặt
Cha, mẹ đau thắt , làm lụng , vất vả lũ con.

 

Mắt cha mù, tâm hồn con sáng cả cuộc đời
Da thịt mẹ, đắp chân con vững bước.


Bài  hạnh phúc con lầm qua ngõ trước
Cặp uyên ương con học được ở đời sau?

 

 


CHA , HÃY QUẤT VÀO MÔNG CON ĐI
      Chiều nay ra thăm mộ cha. Không gian yên tỉnh, vắng vẻ . Nhìn di ảnh cha, hằn lên ấy một thời cơ cực không kìm được nước mắt dâng trào.

 

      

      Trên đường về,  những kỉ niệm thời thơ ấu bên người cha vẫn hiện ra như mới xảy ra ngày nào. Những đòn roi dạy bảo của cha, con nhớ mãi. Cha ơi, con nằm xuống để cha quất vào mông con những đòn roi như ngày nào cha nhá..

…Cái thời ấy, thời Nẫu còn cắt cỏ chăn bò. Vào những buổi chiều  nằm sải mình bên gốc rạ, hương lúa vừa gặt vẫn còn ngan ngát mùi thơm  Nẫu say mê ngấu nghiến đọc quyển sách tuổi thơ học làm người: Tâm Hồn Cao Thượng. Những nhân vật,  những người cha khuyên bảo con làm người. Những tấm lòng, những điều bao dung cao thượng đã thu hút Nẫu quên đi con bò của mình bỏ đi nơi khác, dậm phá ruộng lúa người ta.

-Nẫu ơi! Mày đâu rồi, về đây tao bảo..

Tiếng của cha giận dữ ở đằng xa làm Nẫu bừng  tỉnh thoát ra từ cuốn sách. Vừa kịp đứng dậy  cha  đến nơi quất cho Nẫu vài roi đòn vào mông đau điếng. Nẫu vụt bỏ chạy.

Sợ bị đòn tiếp, chạy về nhà, Nẫu chun tọt vào đống rơm sau vườn, lấy rơm che kín mình chỉ chừa con mắt ra  đọc tiếp Tâm Hồn Cao Thượng.

      Nghe ông hàng xóm và cha nói to tiếng làm Nẫu biết lỗi, buồn , rồi ngủ thiếp.

Trong mơ màng Nẫu nghe tiếng mẹ: “Ông đánh nó rồi ông đánh tui luôn đi, nó chạy đâu mà chưa về nè trời, ông không đi tìm nó mà ngồi đó nhìn cái gì hả?  “

  Nhìn qua kẽ hở thấy mẹ ngồi bên hiên thềm khóc thút thít,  Nẫu giả vờ làm tiếng mèo ngao, mẹ đứng lên mứng rỡ, nhìn chung quanh , nói to:” Nó về rồi ông ơi, coi thử nó ở đâu?”

  Chỉ duy nhất có mẹ biết Nẫu giả tiếng mèo kêu , tiếng mèo kêu nũng nịu , tiếng mèo kêu vờn nhau trong bầy, tiếng mèo kêu gọi đực trong đêm khuya giống con nít  khóc, Nẫu giả tuốt, y chang.

    Cũng vì giả tiếng mèo kêu mà Nẫu bị sưng đầu. Hôm đó cha  đang ngủ trưa trên chiếc chõng tre đặt sau hè , gió nồm , nam thổi mát lạnh cha  ngủ ngon lành . Nẫu mon men lại dưới chân ông lấy tay khều dưới bàn chân , giả tiếng mèo kêu ngao ngao, rồi vội cúi người xuống trốn dưới gầm giường,  cha bị nhột cụm chân lại, kêu quát lên tiếng “mèo” rồi lại vẫn ngáy khò khẽ. Nẫu  ngẩn đầu lên tiếp tục khều chân cha mạnh hơn.  Bỗng Nẫu bị chân cha hất bắn tung ra dập đầu xuống sàn nhà. Cha  hốt hoảng thức dậy sau cái phản xạ tự nhiên tưởng tôi là con mèo thật.

…….Nẫu còn nhớ mãi, người ông. Ông nội tôi, có chòm râu trắng. Cái chòm râu ấy hiện nay tôi vẫn còn thích, tôi nguyện khi mình về hưu tôi sẽ để râu như ông, mái tóc bạc sớm với cái chòm râu trắng tôi sẽ làm ông bụt để hù con nit như ông tôi thuở nào.

    Nẫu nhớ mãi những hình ảnh nực cười của ông tôi, vì ông có cái “biệt tài” không ai có. Khi ông đang đi, hoặc đứng, có cháu nào chạy lại tíu tít cầm tay ông gọi ông ông,  thế nào  ông cũng cầm tay cháu đưa ra sau đít mình …rồi làm kêu cái …bủm . Chúng tôi phải chạy ra xa không thì ngửi cái thối râng trời của ông . Thế mà cháu nào cũng thích ông ban cho cái ấy,  rồi cười ngả nghiêng, ngoặc nghẽo.  Ông có cái hay nữa, khi nằm  tréo chân trên giường, tay quạt phành phạch ( lúc ấy không có quạt máy), nhưng tự nhiên xổ ra một tràng kêu bạch bạch, bùm bùm từ người ông như súng đại liên, rocket. Mùi thuốc súng thối kinh khủng.

         Một buổi chiều nọ, cha mẹ đi vắng, Nẫu và em gái ra vườn nghịch lấy cuốc đào khoai lang.

Nẫu vừa cuốc trên giồng khoai ló mấy củ khoai lang ra ngoài , em gái vội cúi người xuống nhặt, nhát cuốc thứ hai ….cuốc trúng vào đầu em. Nẫu lúc ấy còn nhỏ nhưng biết  kìm được nên nhát cuốc chỉ đi nhẹ qua trán , nhưng máu vẫn chảy. Nẫu khóc, la lên: ” Ông tám ơi, Bác năm ơi, thiếm sáu ơi…’’ Mỗi người hàng xóm bên cạnh nghe tiếng kêu hốt hoảng vội chạy tới…Nẫu chạy tuốt, chạy vô rừng trốn.

  Chiều tối mon men về , lẻn vào dưới gầm giường của ông ,  ép sâu vào tường  nằm im lìm, nín thở nghe ngóng …. Nghe tiếng cha đi qua đi lại càm ràm, ông nằm trên giường , cất tiếng nói bảo với cha của Nẫu:” Nó nhỏ zậy mà lanh đấy, nó kêu toáng lên mấy đưa em mày tới kịp , rầu nó bỏ trốn…đừng đánh nó!”.

   Nói tới đó , trên giường súng liên thanh của ông nả đạn liên tục bùm bùm, bạch bạch….Ôi mùi khói thuốc súng, chịu không được, Nẫu chui ra đầu hàng.

…..Cha ơi, thời ấy khổ quá!  Sau này con tưởng gia đình mình đang là dạng ” bần cố nông” nên con sẽ được ra làm quan cho cha bớt khổ. Quan đâu không tháy , giữa chừng trời trói tay chân con lại. Không ngờ đời cha ra đi vẫn còn thèm húp bát canh không nặng mùi đời. Gần kề tới ngày làm từng  giáp năm cha ra đi rồi.Con nằm xuống đây  hãy lấy roi quất vào mông con đi cha ơi! Con có lỗi!


THƠ LỤC BÁT, QUƠ ĐŨA CỦA THẰNG NẪU

 

Ngầu buồn, không biết viết chi

Rặn dăm ba chữ En-tri cho rầu.

Chiện chưng hửng, chiện đâu đâu

Chiện bá láp, lảng xẹt, chiện tào lao, tam tàm.

 

Ghét ngừ nịnh hót, tham lam.

Ghét ngừ dấu trá nói, làm khác thay.

Ghét ngừ ném đá dấu tay.

Ghét ngừ hiếp yếu, giả nai,  giả cầy.

 

...Xì- tốp, đừng có thày lay

Ghét ngừ ngừ ghét, thêm rầy rà thôi.

Phận hèn,  như cọng mồng tơi

Lan man, hâm hấp chiện đời dzẫy na? 


               
MỘT CỔ HAI TRÒNG

                                     Thầy ơi! một cổ hai tròng
                  Thầy không mang nó, đừng hòng ...xét thi đua.

Một hôm, thằng bạn đồng nghiệp đến gặp Nẫu, hỏi:  ” Trường mày, khi lên lớp nếu  ai không mang bảng hiệu trên cổ  có bị cắt thi đua không?”. À,  nó nhắc về cái chuyện các ông giáo ở trường THPT, khi đi dạy trên cổ phải mang cà vạt và bảng tên đây mà.  Bất ngờ, hơi giật mình, vì Nẫu chưa nghe ai trong ban giám hiệu của trường mình nhắc về cái chuyện mang hay không mang bản tên  gắn liền với việc thi đua.  Bản thân Nẫu có lúc mang, lúc không, không bận tâm, mặn mà cái khoản này .Vì có mang hay không mang có ảnh hưởng gì việc dạy và học trên lớp đâu.

 

       Nhưng biết đâu, Nẫu chưa nhận thấy được cái giá trị đích thực của nó khi mang bảng hiệu này? Thế là Nẫu tự tìm hiểu mục đích cái bảng hiệu, bảng tên mang trên cổ để làm gì.

      Đầu tiên, từ xa xưa trên bàn các quan tòa, hay các cửa công quyền trước mặt các quan thưa hành đều đặt trên bàn một bảng tên có chức vụ của mình, sau này đến các người đi tác nghiệp các nơi như công an, thuế vụ, người sóat kiểm vé vân vân và vân vân  đều phải có bảng tên, bảng hiệu. Trong ngành giáo dục,  những buổi thi Quốc gia giám thị phải nhất thiết có bảng tên, các sở ban, ngành đều có bảng tên. Như vậy mục đích mang bảng tên để làm gì? Để người thừa hành ngầm tự giới thiệu với đối tác, người trực diện của mình đang liên hệ trong thời gian giải quyết vấn đề gì đó  Mục đích lớn, người thừa hành có trách nhiệm cao hơn, tránh những sai sót tiêu cực như quan liêu, cửa quyền, nhũng  nhiễu, hạch sách, hối lộ…. Nó như lời tố cáo chỉ mặt vạch tên nếu anh làm sai.

        Như vậy, có phải chăng giáo viên cũng cần phải mang bảng tên để có trách nhiệm cao hơn , để học sinh theo dõi, kiểm soát hành vi của người thầy? Có chuyện đùa , trong một bàn nhậu có mấy anh nông dân,công nhân,  nói như thế này:” Tao nghe nóii Nông dân, Công nhân tụi mình từ nay không nên tham nhũng.Thế là từ nay tao không còn  móc túi bà xã  để đến nhậu với tụi bay nữa rồi!”.

     Cứ mỗi khi đến lớp, trong cặp giáo viên có cơ man nào sổ sách, bây giờ nhét thêm cái bảng hiệu này nữa. Có phải chăng để hổ trợ thêm phương tiện, công cụ cho ban giám hiệu nào có tính độc đoán, bảo thủ, thêm một vòng kim cô nữa chụp lên đầu người thầy ?.

      Hay là, mang bảng tên để cho đẹp? Nếu vây, vô hình dung bắt con người vào khuôn khổ cứng nhắc để đổi lấy hình thức, màu mè. Những cái ràng buộc chưa đúng lúc, không cần thiết làm cản trở sự độc lập sáng tạo của con người. Ngược lại, đâu đó xem nhẹ việc cho con người tự do bừa bãi, đáng xấu hổ như chuyện vứt rác ngoài công cộng, tự do đứng đâu đái đó ( xin lỗi vì dùng từ có mùi, không thể từ nào thay thế được). Cần và nên cần làm những việc tưởng chừng đơn giản ấy thành một nề nếp, ngăn nắp, văn minh , lịch sự  hơn là cứ nghĩ vẽ vời ra những việc phô trương, hình thức chưa thiết thực trong cuộc sống.

      Đúng là khi dạy thầy giáo nên mang bảng tên trên cổ, trước ngực có đẹp hơn, nhưng chỉ nên  khuyến khích chứ không phải biến nó thành vòng kim cô.

    Thầy ơi! một cổ hai tròng

Thầy không mang nó, đừng hòng…xét thi đua.
.......................................................................................
p/s:
Nẫu là ông giáo làng dạy toán, viết blog nên câu văn, chữ nghĩa lộn tùng phèo không ít gây ra hiểu nhầm. Trong quan hệ đồng nghiệp và cả sếp, Nẫu không đụng chạm , mâu thuẫn gì với ai, nên Nẫu nghĩ không ai tìm cách qui chụp cho mình chuyện này, nọ.  nhưng có lúc vì trình độ non nớt hiểu chưa thấu, mong ai đó chỉ bảo ,phản hồi bên dưới hoặc ở đây: Chuyện thằng Nẫu

 

 



CÁCH CHÀO CỦA NGỪ XỨ NẪU

 

Ngừ xứ Nẫu có kiểu chào độc đáo, độc quyền chẳng đâu có.

Ngừ xứ Nẫu kiệm lời, câu cán chủ ngữ, vị ngữ cứ lộn tùng phèo lên, cộc lốc từng nhát như nhát gừng, giống như theo cách hành văn của Nẫu  mà bạn đang đọc đấy.

           Đó là cách chào như hỏi. Trên đường đi đối diện gặp nhau, chào ngay:

-         Đi đâu đấy (!) (?) …( không biết xổ dấu than hay dấu hỏi).

Khi thấy ai đó đi chợ về, trên giỏ ló cái đầu con cá hố , chào ngay:

-         Cá mua (bao)  nhiêu , rẻ hả?

Cứ nói “ rẻ hả ?”  mới gọi là chào, chứ không ai nói “đắt hả?”.

Có phải đây là sự mong muốn khát khao xứ nghèo dân Nẫu?

Đó là cách chào lúc nhỏ Nẫu hay gặp, thỉnh thoảng bây giờ những vùng hẻo lánh vẫn còn.

 

Hiện nay, hiện đại rồi. Chào là phải hô to, chị bảy, anh ba.

Sáng sớm chưa làm việc, đến các CT, CQ dọc theo các hành lang, ta nghe tiếng:

-Em chào chị bảy!

Chỉ có tiếng chào, không có tiếng đáp trả, đôi lúc chỉ thấy cái gật đầu khô khốc. Nếu “bảy” không cao quá, chỉ thấp thấp thôi, may ra có được nụ cười nở trên môi như xôi vừa chín tới,

Hoặc kiểu chào từ xa , giọng nói còn ngà ngà:

-Chào anh ba, đêm qua về khuya chị có la không, anh Ba?

-Còn mày, vợ mày có la không?

-Dạ không, chiều hôm qua em nói với vợ em, em đang bận viết báo cáo mà.

 


Dưới đây là một câu chuyện thực của một người bạn đồng nghiệp kể lại. Có bốn nhân vât: thầy, trò, phụ huynh, lãnh đạo và một gói quà. Đây chỉ là một góc nhỏ vô vàn góc cạnh của cuộc sống thời hiện đại. Các bạn cứ còm (ở đây) thoải mái theo suy nghĩ của mình ( đừng bênh vực thầy giáo) nhưng, rất  mong các bạn đừng “chọc giận”  đích danh  một ai….vì đây chỉ là mạng ảo.

 

GÓI QUÀ.

Một hôm, trong giờ sinh hoạt ngày thứ bảy hàng tuần, thầy giáo chủ nhiệm có to tiếng với một em học sinh tóc nhuộm màu vàng. Vì nghĩ mình bị xúc phạm từ cậu học trò vô lễ nên thầy giận dõi bỏ ra khỏi lớp trước những cặp mắt lo lắng của học sinh.

    Ngày hôm sau, ngày chủ nhật rảnh rõi, hai mẹ con cậu học trò  tóc nhuộm vàng  bước xuống từ một chiếc xe con đưa đến, họ bước vào nhà thầy giáo già, trong những cái trố mắt của những người hàng xóm tò mò nhìn theo..Người thầy giáo già nhìn người mẹ phốp pháp tay xách gói quà nặng trĩu , sau khi giới thiệu và chào hỏi thầy nói: “ Được rồi , chị dẫn em nó về đi, không có gì đâu, tôi cũng có lỗi mà!”.

 

Người mẹ cười giả lả, cảm ơn xoắn xít , dẫn cậu con ra khỏi cửa nhà thầy bỏ quên gói quà trên bàn nhà thầy giáo.  Thầy nhẹ nhàng cầm gói quà đi theo rồi đưa lên xe, nói với người tài xế “Chị ấy bỏ quên”. Thầy lặng lẽ vào nhà, khép cửa lại, miệng luôn lẩm bẩm ” Quà bỏ quên không đúng chỗ”

—-Sáng thứ hai , thầy chuẩn bị vào lớp học, bỗng có tiếng điện thoại di động  reo. Thầy nhìn số lạ, nhưng vẫn bật máy.”Alo, tôi đang nghe đây!”

“Thầy A  hả, tôi đây, tôi B trên sở CC nè, thầy bỏ lỗi cho em S của lớp thầy chủ nhiệm nha, nó cháu tôi đấy!” 

“À, xin lỗi tôi chuẩn bị vào lớp” Thầy tắt máy , lẩm bẩm: “ Gói quà … đi đúng chỗ!”

 


 

NHỚ CÁI THỜI SINH VIÊN
  Ngày xưa, cái thời sinh viên, thời bao cấp đói khổ thế mà vui, vì chả đứa nào sợ đứa nào nắm áo kéo lại. Còn ngày nay,  nghe nói trọng tài chưa huyt còi có thằng đã đề ba xuất phát phóng như ngựa điên. Nhắc lại thời sinh viên, vui thật. Thời ấy đi học , đúng là nhà nước lo từ miếng ăn đến chỗ ngủ.  Mặc dù vẫn còn dư âm nào là “nước mắm đại dương”, “bánh xe lịch sử”…để gán cho một xon nước mắm do nhà bếp tự chế biên, hay những chiếc bánh làm bằng bột sắn mì thay những buổi thiếu cơm.

 

         Vui, sinh viên thời ấy hầu như đều ở trong kí túc xá  của trường cả.  Mỗi khi tan  học ở giảng đường là gấp gáp về phòng ngay nhảy tót lên giường nằm thở , chờ nghe ngóng tiếng kẻng báo ăn cơm. Kẻng vừa báo xong , cả túc xá vang lên một bản hòa tấu cốc cốc keng keng dậy cả trời. Các nhạc gia chính là những thằng tếu táo như Nẫu, nhạc cụ chính là cái chén và đôi đũa gõ vào nhau, rồng rắn kéo xuống nhà bếp. Có lúc chen lấn nhau để tránh gặp những thằng ăn nhanh như heo, tụi nó mà ngồi chung mâm có mà đói.

        Khi  đứa nào nhận được tiền viện trợ của ông bố, bà mé chi viện thêm để cải thiện ăn tươi thì cứ như là mở hội. Kéo cả đàn vào quán chén mấy cái bánh tà dạt, húp sồn sột nước mắm thật, hay ăn ngon lành mấy đĩa rau xanh, nếu có con sâu nằm trong đó vẫn bình thảng chứ không la làng như bây giờ , nào chê  rau không sạch, có chất tăng trưởng này nọ.

       Khuya về, tạt vào công viên của trường, một thằng lên phòng xách cây đàn gi-ta xuống rồi chụm nhau rên rỉ nhạc Trịnh: ”Em còn nhớ hay em đã quên ? Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng. Nhớ phố quen biết tên bàn chân…”. Hát đến khi có thằng ngáp rồi tự động ủ rủ về phòng . Nằm chưa kịp chợp mắt thì nghe tiếng kẻng tập thể dục, dành phải bật dậy  ra sân ngay …nếu không tháng ấy bị quở phạt hay cắt phần ăn thì có mà khổ. Nẫu  nhớ mãi thằng bạn có tên P…  ú, nó ú vì sỉnh , đầy chứ không phải nhờ nạp đầy đủ cô gái Hà lan như bây giờ. Nẫu còn nhớ bài thơ của nó viết cho báo tường của lớp.  Chỉ vài câu , nhưng ban biên tập cho đăng ngay vì  nói lên được… cái gọi là thực trạng của kí túc xá thời bấy giờ.

Keng , keng …

Cứ ngở… tiếng kẻng cơm.

Ai ngờ… kẻng thể dục.

….Mình dân xứ nẫu thứ thiệt , nói tiếng đặc sệt quê  mùa. Một hôm ,  thầy dạy môn Hình học gọi Nẫu lên  trả bài giải bài tập . Nẫu vẽ hình chóp S.ABCD,  miệng nói: :”Đây là hình chớp có đỉnh êt (S),  đáy là tứ giác a, bơ (b) , xơ (c) ,dơ (d)…lớp bắt đầu có tiếng xì xào, Nẫu ngỡ tụi nó  đang ngưỡng mộ  nên  càng hăng tiết thao thao xổ ra một tràng tiếng nẫu , cả lớp hôm đó được dịp ôm bụng nhau cười ngặt nghẽo, thầy giáo không nói gì vì cũng đang lo ôm bụng mình .

      Sau này,  Nẫu mới biết cái hớ của mình và điên tiết lên khi phát hiện được thằng Na. dân Quảng Ngãi cùng phòng với Nẫu cười  nhiều nhất. Phòng Nẫu có bốn đứa nó không ủng hộ thì thôi lại cười , mới chết.. Thế là đòn trả thù bày ra:

       Hôm  đó, trong phòng có đầy đủ bốn thằng,  mình nhờ thằng S . gi- ta ôm đàn, Thằng T cầm hai nắp xon ngồi trên giường tấng cao nhìn xuống, còn chính hắn ngồi trên giường há mỏ, trố mắt nhìn Nẫu  tằn hắng , cất tiếng trịnh trọng ra vẻ MC xướng ngôn viên:

-         Đây,  là đài phát thanh Quãng nghễ, chương trình nói tiếng Quảng nghễ, bắt đầu.

Thế là tiếng đàn gi -ta của thằng S năm dây xổ ra từ tay của nó kêu loàng xoàng, trên giường hai nắp xon của thằng T kêu loảng choảng,  đột ngột dừng lại,  Nẫu tiếp tục:

-         hê lần hê là bốn.

Tiếng thằng S,  dịch theo:

-         Tức là, hai lần hai là bốn.

Tiếng đờn , tiếng nắp xon nhịp theo reng reng , dưt đoạn. Nẫu nhìn mặt nó ra chiều nghiêm túc, tiếp:

-         Hê mư hê ké.

Thằng T trên giường cũng buột miệng, gào lên:

-         Tức là, hai mươi hai cái.

Ôi  thôi, tới đó thằng Na tức gáy lên , đứng dậy thấy cái đẩu quơ cái đẩu , thấy cái chẩu quơ cái chẩu  liệng  tới tấp lên ngừ thằng Nẫu tôi.

         Vui,  thời ấy chơi nhau sát ván nhưng rồi ôm nhau cười ha hả, chứ không như  cho xin tí huyết vì mày nhìn đểu tao như bây giờ.



HỌP LỚP
         Năm nào cũng vậy, cứ từ mùng 5 tết âm lịch trở lên Nẫu phải đi họp lớp. Có năm vừa họp xong lớp cấp 1 hôm trước , hôm sau họp ngay lớp cấp 2 ,  rồi đến lớp cấp 3 mà Nẫu đã...kinh  qua. Rồi nào là lớp cùng khóa, cùng trường...búa xua.
        Bài viết này nói về chuyện họp lớp chính Nẫu mài đít dưới ghế trường chứ không phải họp những lớp Nẫu đã gõ đầu mà khi bước vào, có tiếng: “ Em chào thầy ạ”.

….Xứ Nẫu nghèo, xa tít hai đầu đô thị phồn hoa nên lứa học trò Nẫu học có đủ các thành phần, sang trọng, nghèo hèn đủ thứ cỡ.                 
       Tầng lớp làm quan to rộ lên chỉ ở mức độ cấp huyện, có thằng làm đến chủ tịch hay trưởng phó,  phòng . Ở cấp tỉnh lác đác vài thằng gọi là trưởng phòng nọ, ban kia chứ làm to hơn nữa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở tầng lớp này mặt mày đứa nào cũng sáng bóng ra đẫy đà, ăn nói na ná giống nhau.

       Đấy là quan, còn dân lủ khủ. Dạng ông giáo làng lúc nào cũng nhe răng ra cười  như Nẫu thì đông ra phết, họp ở khối,  lớp nào cũng có tầng lớp này “ nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí”

      Có nhừng thằng mặt mày đen đúa,  xám xịt đã từ lâu lặng tăm bây giờ mới xuất hiện,  vì vừa rồi nhờ ơn trời trúng đậm vụ tôm, vụ heo nái  nên tạm mất đi cái tư ti mặc cảm .

      Có những thằng mấy năm ra vẻ nhà doanh nghiệp, khi tàn cuộc họp lúc nào cũng xăn tay áo lên làm mạnh thường quân,  nói: “Để tao, để tao, tao bao”. Năm nay có lẽ cơn bão lạm phát đến nhà nên nó lặng mất tiêu làm Nẫu phải móc tiền túi ra chung chi chơi kiểu Cam -bu-chia.

……Đủ cả thành phần, nhưng thường có mặt nhiều năm , nhiều nhất là các ông giáo, bà giáo rồi kế đến các thành phần ngày xưa học gọi là “tiểu tư sản”. Thành phần nghèo khổ xưa gọi là "bần cố nông"  ít khi đến, mỗi lần  đến chắc chắn năm đó có lẽ trúng cái chi chi.

          Không phải chỉ có dạng nghèo mặc cảm ít đến, dạng làm quan sếp không đến nhiều hơn.  Dạng này,  trước đó khi ban liên lạc gọi họp lúc nào cũng báo lại:” Mình bận họp, trực cơ quan ”hoặc “ Ngày đó tao đi công tác rồi”. ..

       Nhưng lạ, mỗi khi thằng làm quan lớn đến thì các thằng làm quan nhỏ cũng đến theo, ngày họp lớp ấy biến thành diễn đàn …pháo nổ tưng bừng.


 

THẦY GIÁO  LƯỚT WEB NGÀY GIÁP TẾT.


        Nẫu đang lo âu ngày hết tết đến.  Nào cơm, áo, gạo, tiền làm nẫu thêm ruột. Nẫu ngồi lướt web chỉ biết than thở.  Những mẫu tin ngày hôm nay dồn dập đập vào mắt ….  buồn, tủi , thấy mình bất tài, vô dụng,...      
       Tin
 Thưởng tết cao nhất 1,1 tỉ đồng  làm đầu óc Nẫu suy nghĩ vẩn vơ...  không biết tết này nhà trường sẽ cho tiền tiêu tết bằng năm ngoái không?  Nhớ lại năm ngoái chỉ còn thiếu 30 ngàn đồng nữa thì Nẫu có cả 300 ngàn đồng tiền tiêu tết .cười ngoác miệng
       
 Nẫu dạy toán, bệnh nghề nghiệp tự dưng trổi dậy trong đầu Nẫu. Cứ bỏ con số lẻ của 1.1  tỉ đi, còn lại con số tròn trịa 1 tỉ  thay vào đó  vứt mẹ nó đi 300 ngàn , xem như Nẫu có con số 0. Có nghĩa  sức cống hiến cho xã hội của Nẫu là con số 0, người nào kia cống hiến cho xã hội hơn Nẫu gấp 1 tỉ lần.  Nẫu vô dụng thật!

         Nhưng có ai đó nói rằng, nghề của Nẫu thuộc nghề trồng người,  trồng người phải 100 năm sau mới thu gặt. Nghĩ đến đó Nẫu không còn tự dằn vặt mình nữa rolling on the floor

       Đọc tin Phó giám đốc sở đánh cờ tướng mỗi ván... 5 tỉ đồng
Nẫu thấy mình phận sao mà bèo bọt quá! 
Vì như lương  tháng hiện nay cả cuộc đời của Nẫu và cuộc đời thằng trai nối dỗi của mình sau này , chỉ cạp đất mà ăn thôi để lấy tiền lương đó cộng cả đời cha đời con lại  không đủ một ván cờ tướng của ai đó.Viết tới đây, trong đêm trời se lạnh ngày giáp tết bỗng nghe ngoài đường văng vẳng tiếng ai khan giọng :  " trứng lộn ....đây"  mắt tự dưng cay xé.

         Hôm rồi , ghé thăm nhà  nội các cháu, bà nhắc nhở  " Tết nhứt gần kề , cẩn thận nha con, hay bị trộm cắp lắm đấy!". Hôm nay tình cờ  đọc tin:Nhà Phó Tổng cục Cảnh sát mất trộm 1 tỷ đồng
     Bỗng dưng Nẫu vỗ tay lên đầu mình rồi reo lên  ..."Nẫu không có gì để mà mất chỉ sợ bị tước đoạt dòng suy nghĩ thôi!" 
   


 

NÓI TIẾNG VÓ

Lúc nhỏ , đứa nào tự dưng đổi giọng , đổi âm khi nói chuyện thì được cái gọi là nói tiếng gió…sau nhại lại  nói tiếng….vó. Mục đích chính của nói tiếng …vó để khỏi quê …nhất là khi đi tới nhà bạn gái. Đổi âm ,có nhiều âm tiết để đổi , hay gặp nhất cứ âm nào phát ra có vần “âu” đổi ra âm “ôi” là trúng phóc. Ví dụ bạn gái tới nhà chơi, muốn mời bạn ngồi mà nói “ Em ngầu xuống đi”… thì hỏng. Đi làm rể,  muốn lấy chổi quét nhà mà nói: “Em ơi lấy cho anh cái chẩu”… thì có mà ế vợ.

. ..Nẫu nhớ lại, lúc còn sinh viên đang học ở thành phố, có thằng bạn ở quê có dịp lên thành phố ghé vô trường thăm Nẫu. Mặc dù đói rách tả tơi nhưng Nẫu cố vay được vài chục để rủ thằng bạn ra phố ăn kem, xem phim. Nẫu chen vào cửa bán vé mua được hai cái vé dành chỗ ngồi trên lầu . Xem phim được ngồi trên lầu thì phải sang ra phết  hơn ngồi dưới tầng trệt  dưới đất rồi. Vừa lau mồ hôi, mồ kê thằng bạn lại bên cạnh thỏ thẻ giọng… vó:

…..Mày mua vé trên lồi hay dưới đất hả?

Cánh tay Nẫu tự dưng dị ứng nổi chân lông.


    Sao các cụ không mang theo ….

 

  Hôm nay bị vợ cằn nhằn cũng vì cái tính hâm, hâm vì không lo chuyện nồi cơm cứ đi lang thang thơ thẩn trên Nét. Có vậy mà Nẫu hờn, giận, buồn  bỏ cơm  ra quán ngồi kéo ghế.   cười ngoác miệngNẫu nhìn qua bàn bên cạnh có anh Bá Kiến, có ông Nghị Hách, có chàng Xuân Tóc Đỏ và gã Lý Thông  đang trò chuyện xôm tụ hết chuyện nọ xọ chuyện kia.

      Bá Kiến đeo kính râm , bộ ria mép uốn éo nhảy múa theo cây tăm đang ngậm trong miệng, mắt sáng lên kể chuyện chỗ này đang qui hoạch, đầu tư,  nơi kia sẽ thu hồi đất, giải tỏa nhà nghèo thấp be bé  để xây nhà cao tầng, khách sạn, khu du lịch sinh thái…Xuân Tóc Đỏ tóc dài chải ngược, cổ đeo lòng thòng sợi dây vàng to tướng kể chuyện ai đó mới được cất nhắc lên làm sếp lớn, ông kia cãi lại nói nó ton hót chứ tài gì loại nó mà ngồi được chỗ đó , ông nọ ra vẻ nghi ngờ,  dè bỉu rằng nó mua đấy rồi cười ha hả khi nói đến những em chân dài nhảy nhót trên bãi sân  Tennis , sân Goif…..Còn ông Nghị Hách to béo, bụng phệ , đầu hói, mắt ti hí chậm rãi nói khoe vừa mới mua  chiếc xe xịn , đang xây cho thằng con quí tử của mình cái vila để thằng con không kém cạnh với ai vì đúng tiêu chuẩn “ nhà mặt phố , bố làm to” .Gã Lý Thông người thấp bé, mắt liếc dọc ngang thao thao bất tuyệt về cái chuyện học giả bằng thật, chuyện đạo văn, chuyện thằng này đang hất cẳng con kia để ló...cái ghế ra mà chiếm.

              Bỗng chị Dậu xuất hiện, trên vai  mang đứa con  ngủ gật,  tay cầm tập vé số tiến đến,  khẩn nài:

 “ Mấy anh mua giùm em vài vé số”. Xuân Tóc Đỏ nhìn chị rồi xua tay lia lịa, nói gằn giọng: “ Đi đi, không mua!” rồi Xuân  nhìn sang ông Nghị Hách vẻ khúm núm, mời mọc, hứa hẹn , rồi thanh minh:” Hôm khác mời anh lên Vẫy Gọi 5 sao VIP nhé, ở đây bất tiện quá!”. Thình lình Chí Phèo từ bàn bên cạnh xô ghế kêu cái kéc đứng dậy, tay không quên cầm chai Tiger, chân đi xiên xẹo bước đến nhìn Bá Kiến, nói lè nhè:” Tại sao phải lên Vẩy Gọi 5 sao, chê chỗ này hả ?”. Bá Kiến nhìn Chí Phèo cười nửa miệng, giọng khinh khi: “ Để tụi bay leo lên không được!”.

       Nẫu nhìn lên trần nhà, tự hỏi: “ Các cụ  Vũ Trọng Phụng,  Nam Cao, Ngô Tất Tố….ơi! các cụ trốn ở đâu? Sao không mang theo Xuân Tóc Đỏ, Nghị Hách, Bá Kiến, Lý Thông, Chị Dậu , Chí Phèo …đi theo?

 


THẤY MA

 

Hầu nhỏ Nẫu còn nhỏ, mặc dù chưa thấy ma, nhưng đêm khuya nghe kể chuyện  ma tóc xõa tới lưng , le lưỡi dài đỏ chót, mặc bộ đồ trắng toát, chân hỏng không đụng đất là Nẫu té xỉu.

Một hôm, mẹ dẫn Nẫu dzìa nhà wại (ngoại) trước một ngày để ăn đám giỗ bà wại mất.Chiều hôm đó mẹ cùng các dì , các cậu, mợ lo gói bánh ít, bánh tét, còn Nẫu chạy đến nhà cậu gần đó để nhảy lò cò với mấy đứa nước mũi chảy lòng thòng .
 
    Xẹt một cái trời tối thui…Nẫu phải về nhà wại gấp kẻo mẹ quất đít. Lối đi về, qua hàng tre rậm , gió rung cây kêu cót két ớn tận xương.

    Ôi, đột ngột trước mặt Nẫu một bóng ma xuất hiện: Tóc xõa, đồ trắng toát, hỏng  hai chân như bay là đà trên mặt đất. Chân tay Nẫu nổi da gà, ngực đập , khó thở….xỉu.

..Trong  mơ màng Nẫu nghe nhiều tiếng xì xào, có tiếng dì  hỏi ông wại:

-Chắc trúng gió, ông ơi , ông gặp nó ở đâu dzậy?

 

- Tao chun dzô rào… ị xong , dzừa bước ra chưa kịp xả hai ống quần xuống thì thấy nó xỉu, tao ẳm dzô đây!

    Nẫu mở mắt thấy ông wại mặc đồ trắng toát, hai ống quần vẫn còn xăn lên cao...Nẫu khám phá ra tại sao ...ma chân không chấm đất. Nẫu cười.


CHỬ ĐỔNG CỦA NGỪ XỨ NẪU

 

 

 

Mộ tổ cha bay, mộ nậu tụi bay! Chiện gì tụi bay cũng lấp liếm cho là chiện nhỏ. 

Chiện nhỏ mà tụi bay bao che quyền lợi cái nhóm phe cánh tụi bay lại, chiện nhỏ mà tụi bay coi mặt ăn hiếp, chèn ép kẻ yếu. Thấy cấp trên, tụi bay cúi đầu dạ dạ vâng vâng như con lật đật. Chính tụi bay tự gây ra mất đoàn kết, lại đổ thừa cho nẫu.. .Cái gì cũng cho là chiện nhỏ. Thử hỏi tụi bay xin tao một ngàn, chiện nhỏ, ngừ khác một ngàn, chiện nhỏ…cứ thế, cứ thế…tụi bay xin đến cả cái đất nước này tụi bay có gần 90 tỉ, lúc ấy tụi bay có nói chiện nhỏ không, hay là nhổ nước miếng vào mặt tao. Mộ nậu tụi bay, đồ vô ơn!

rolling on the floor

 


SỐNG NHỜ GÌ?

Một hôm,  trong một bàn nhậu của mấy ông giáo làng, men hơi sần thầy A cắc cớ hất cằm hỏi thầy B mập:

-Này  thầy B…thầy sống nhờ gì?

-Tui hả?...Nhờ ăn.

-Hèn chi mập . Còn thầy C,  ông sống nhờ gì mà ốm tong, ốm teo vậy?

Thầy C buồn buồn nói:

-Nhờ vợ.

-Đúng! Tui xác nhận thầy C nói đúng sự thật. Còn thầy D, Ông sống nhờ gì?

-Nhờ lương.

-HẢ!

Tất cả bỏ đũa, mồm ai cũng há hốc vì sặc. Bỗng thầy E lên tiếng:

-Còn tui, tui sống nhờ… lông..

Những cặp mắt lại đổ dồn sang thầy E . Thầy E cười ra điều bí hiểm chậm rãi nói:

- Ông D nói rằng ông “sống nhờ lương”,  phải không?  còn tui… thì 

“sướng nhờ lông” . 

rolling on the floor

 

 


 
 
  CÓ TẤT CẢ: 1265576 visitors (3907661 hits)  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free